I. ĐỊA ĐIỂM DI TÍCH
Phủ Yên Lạc Thượng được xây dựng vào khoảng đầu thời Nguyễn. Trải qua quá trình tồn tại, địa danh hành chính nơi di tích tọa lạc có sự thay đổi theo từng thời kỳ, cụ thể như sau:
- Thời Nguyễn (1802-1945):
+ Từ năm 1802 -1822: di tích thuộc xã Hoa Lâm, tổng Hoa Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, trấn Nghệ An[1].
+ Năm 1822, phủ Anh Đô đổi tên thành phủ Anh Sơn. Di tích thuộc xã Hoa Lâm, tổng Hoa Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn, trấn Nghệ An
+ Năm 1831: trấn Nghệ An đổi thành tỉnh Nghệ An, di tích thuộc xã Hoa Lâm, tổng Hoa Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
+ Năm 1841, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ nhất, tổng Hoa Lâm đổi thành tổng Xuân Lâm, xã Hoa Lâm đổi thành xã Văn Lâm[2]. Di tích thuộc xã Văn Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
+ Năm 1886: huyện Nam Đường đổi tên thành huyện Nam Đàn[3]. Di tích thuộc xã Văn Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
+ Năm 1907, niên hiệu vua Duy Tân thứ nhất, phần lớn tổng Xuân Lâm và tổng Đại Đồng cắt sang huyện Thanh Chương. Di tích thuộc xã Văn Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An[4].
- Sau Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, địa giới hành chính thay đổi, cấp tổng, phủ bị bãi bỏ. Tổng Đại Đồng tách thành 2 xã Đại Đồng và Đồng Văn. Di tích thuộc xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An[5].
+ Năm 1954: xã Đồng Văn tách làm 3 xã: Thanh Ngọc, Thanh Luân, Thanh Tài. Di tích thuộc xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.[6]
+ Năm 1976: tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhập lại thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Di tích thuộc xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ Tĩnh.
+ Năm 1991: tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh. Di tích thuộc xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và ổn định từ đó đến nay.
II. NHÂN VẬT, SỰ KIỆN LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH
1. Nhân vật lịch sử
Căn cứ kết quả kiểm kê di tích và danh thắng huyện Thanh Chương năm 2015, kết quả khảo sát điền dã tại địa phương, bài trí thờ phụng, văn cúng cũng như các nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng còn lưu giữ tại di tích cho biết: Phủ Yên Lạc Thượng xây dựng để thờ thần Cao Sơn Cao Các, về sau phối thờ thêm thần Song Đồng Ngọc Nữ.
1.1. Cao Sơn Cao Các
Việc thờ thần Cao Sơn Cao đã được hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm trước gắn liền với tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người Việt, phổ biến ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ.
Từ xa xưa, người Việt cổ đã xem thần núi – thần đá là vị thần có uy lực vô biên. Tín ngưỡng thờ thần Cao Sơn Cao Các thực chất là tín ngưỡng thờ thần núi – thần đá. Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, thần đá được nâng lên thành thần núi, rồi được lịch sử hóa, địa phương hóa và thậm chí là nhân thần hóa để thành các vị thần như Cao Sơn Cao Các[7], Tản viên Sơn thánh,.v.v. Biểu hiện cao nhất là tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt đã xuất hiện yếu tố ‘Cao Sơn”. Theo thần tích xã Tiên Cương, phủ Lâm Thao, ký hiệu AEA9/31, tờ 17°, có bản Ngọc phả mang tên “Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Cao Sơn Thánh Vương họ Hùng nước Việt cổ”. Vị hiệu ở đền Hùng – Phú Thọ là “Đột ngột Cao Sơn cổ việt Hùng thị thập bát thế Thánh vương Thánh vị, Viễn Sơn thánh vị, Ất sơn thánh vương thánh vị”.
Trong quan niệm của nhân dân, thần núi là những vị thần đã dùng sức mạnh và uy lực của mình để đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống con người. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thần Cao Sơn Cao Các được thờ rất nhiều nơi. Ở Nghệ An, trừ bốn huyện miền núi: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong là chưa phát hiện được đền thờ thần Cao Sơn Cao Các còn lại các huyện đều có đền thờ[8]. Thần Cao Sơn Cao Các thường được thờ với uy linh rất lớn nên thường được tôn là phúc thần.
Không chỉ ngày nay mà từ xa xưa cha ông ta đã có những nghiên cứu về vị thần này. Theo Cử nhân Hoàng Thúc Lang (người xã Hiếu Hạp[9], tổng Thượng Xá, huyện Chân Lộc), đã tổng hợp về thần tích Cao Sơn Cao Các như sau:
“Thần Cao Sơn cả nước thờ phụng 2017 sở (nơi phong thượng đẳng có 1771 sở, nới chưa được phong là 224 sở). Thần hiệu được phong là Cao Sơn tôn thần. Sách tỉnh Hưng Yên ghi rằng: thần là người Bảo Sơn phương Bắc, họ Cao tên Hiển. Khoảng niên hiệu Khánh Lịch trúng tiến sĩ, làm quan đến chức Thừa tướng tước Bình chư di, sau khi chết được phong là Cao Sơn đại vương, vua lệnh cho thiên hạ lập đền thờ. Sách tỉnh Ninh Bình ghi rằng thần núi Tản Viên là một trong 50 người con của Lạc Long Quân lên núi, đệ nhị tả sơn là thần Cao Sơn Đại Vương vậy...
...Lại án tôn thần Cao Các, cả nước thờ phụng 1519 xã thôn (đã phong thượng liệt có 1248 sở, hạ liệt có 6 sở, chưa phong 265 sở). Sự tích nói rằng đại tướng của Thục An Dương Vương tên là Cao Các; lại có thuyết nói rằng thần là một trong 50 người con của Lạc Long Quân xuống biển, lại nói rằng là Cao Biền thời nhà Đường; lại nói rằng Cao Hiển thời nhà Tống.
Lại án tôn thần Cao Sơn Cao Các, cứ theo như lời khai sự tích ở trên thì là hai vị thần khác nhau. Nay kính xét Cao Sơn liền với Cao Các có 355 sở thờ (đã phong nhân thần thượng liệt 302 sở, chưa phong 112 sở) lại tựa như là một vị vậy. Và lại điền tích thiếu sót không thể khảo cứu, nên thần hiệu là một hay hai không thể làm sáng tỏ, là sơn thần hay nhân thần cũng không thể nói rõ vậy. Duy chỉ có thần tích là rõ rệt nay theo xưa, sự sùng kính của tự điển thì có khắp ở trong nước, tùy theo chỗ mà hiển ứng âm phù khắp nơi. Nên nói rằng: có thể chế ngự được tai nạn nên thờ thần, có thể tiêu trừ được họa nạn nên thờ thần, tựa hồ như linh thiêng ở khắp nơi nên cầu khấn, vậy thì đáng nên. Ngoài ra không thể khảo cứu vì thiếu tài liệu, cho nên cứ lấy cái nghi ngờ để truyền nghi ngờ. Hoặc nói rằng: nước Nam ta trông ngóng về núi Tản Viên vậy, linh khí bàng bạc uy trấn xưa nay, Nam Bắc đều tín ngưỡng lập đền thờ. Khắp nơi đều vậy ư, lấy cái đạo lý đó để nói vậy.”[10]
Qua bản khai thần tích này có thể có nhiều đánh giá khác nhau về lai lịch của thần Cao Sơn Cao Các. Nhưng cho dù thần có là ai, thì đó cũng là ý niệm về một vị thần có sức mạnh diệu kỳ, từng giúp đỡ và bảo vệ cuộc sống của nhân dân.
Vùng đất Yên Lạc xưa, nay thuộc địa phận xã Thanh Ngọc, là nơi có núi non hiểm trở, bao bọc bốn phía. Chảy theo các chân núi là dòng sông Gang uốn lượn, đổ ra sông Lam. Chính vì vậy, nhân dân vùng này sống gần núi, dựa vào núi để khai thác lâm, thổ sản phục vụ cho đời sống của mình. Từ đó trong tâm thức của nhân dân nơi đây, thần núi có vai trò rất quan trọng. Thế nên nhân dân đã xây dựng phủ thờ thần Cao Sơn Cao Các với mong muốn phù hộ cho nhân dân có cuộc sống bình an, ấm no.
Theo nhân dân địa phương cho biết, thần Cao Sơn Cao Các ở phủ Yên Lạc Thượng rất linh thiêng, thường giúp nhân dân chữa bệnh, cầu mùa, cầu hạn hán... Vị hiệu của thần Cao Sơn Cao Các lưu giữ tại văn cúng, có nội dung như sau: “Cao Sơn Cao Các tiền triều sắc phong Thượng Thượng Thượng đẳng tối linh tú chính thần nga nghị”.
1.2. Song Đồng Ngọc Nữ
Tín ngưỡng thờ thần Song Đồng Ngọc Nữ là một trong những tín ngưỡng của người Việt được lưu truyền và thờ tự ở nhiều nơi trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Theo kết quả kiểm kê khoa học của Ban quản lý Di tích tỉnh Nghệ An, hiện nay ở Nghệ An có 6 ngôi đền thờ Song Đồng Ngọc Nữ: đền Ông Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên; đền Đệ Nhất, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu (phối thờ); đền Thia Thia, làng Lý Trai, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu[11], đền Song Đồng Ngọc Nữ, xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ... Có nhiều truyền thuyết khác nhau về các thần, mỗi một truyền thuyết gắn với phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư của vùng đó. Xin trích dẫn một vài truyền thuyết như sau:
Sách “Kho tàng truyện cổ Việt Nam” của Gs. Nguyễn Đổng Chi viết: hai vị thần vốn là con gái vua Trần Thái Tông (1218 - 1277), tên là Bảo Nương và Ngọc Nương. Khi giặc Nguyên xâm lấn nước ta, hai nàng đã dùng kế mỹ nhân dẫn dụ một cánh thủy quân của địch vào nơi trọng yếu để quân nhà Trần tiêu diệt, góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Sau hai nàng được phong là: Song Đồng Ngọc Nữ tôn thần, được thờ tại đền làng Đa Mỗi ( nay thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang)[12].
Tích khác kể rằng: Song Đồng Ngọc Nữ là hiện thân của đôi cá Thia Thia từng hiển linh giúp cha con họ Ngô (Ngô Trí Hòa và Ngô Trí Tri)[13] đỗ đạt. Sau đó, hai cha con tâu với triều đình về sự linh ứng của thần, xin nhà vua ban sắc phong là thượng đẳng song thần thánh nương[14].
Ngoài ra, cũng có tích nói rằng Song Đồng Ngọc Nữ là con gái của Cao Sơn[15].v.v.
Hiện nay, tại vùng đất Yên Lạc Thượng, nhân dân vẫn lưu truyền sự tích về thần Song Đồng Ngọc Nữ được phối thờ tại phủ Yên Lạc Thượng như sau:
Song Đồng Ngọc Nữ là hậu duệ họ Trần, thuộc làng Tri Lễ, xã Dương Hạp, tổng Cự Lâm, huyện Nghĩa Đường, phủ Quỳ Châu, trấn Nghệ An (nay là xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Hai cô gái sinh vào cuối thế kỷ thứ XVII trong một gia đình từ dưới xuôi lên vùng này khai khẩn đất đai lập nghiệp[16].
Đến tuổi trưởng thành, hai chị em thường vào rừng kiếm củi. Một hôm, trên đường trở về nhà, hai chị em dừng chân nghỉ bên Vực Lồ[17]. Người em thấy phía trước có cây thị sai quả, bèn trèo lên cây để hái. Chẳng may, trượt chân ngã xuống vực, thấy vậy người chị liền nhảy xuống cứu em. Không ngờ ở phía dưới có một con hổ đang chờ sẵn vồ lấy 2 chị em… Đến tối hôm đó, người cha không thấy hai con về liền gọi người trong làng đi tìm. Khi đến Vực Lồ đoàn người phát hiện vết máu loang, song tìm mãi không thấy hai cô gái. Gần chỗ có vết máu, người dân thấy có 2 nấm đất mới do mối đùn tạo thành tựa như hai ngôi mộ. Thấy vậy, dân làng cho đó là sự linh thiêng về sau lập đền thờ ngay cạnh Vực Lồ để thờ phụng gọi là đền Song Đồng Ngọc Nữ. Thần Song Đồng Ngọc Nữ thường linh ứng giúp cho nhân dân trong vùng nhất là việc tìm kiếm xác chết trôi. Gia đình nào có người đuối nước tìm mãi không thấy xác đến đền làm lễ xin thần phù hộ để sớm tìm được người thân gặp nạn và đều được linh ứng.
Phủ Yên Lạc Thượng nằm trên một địa hình khá đặc biệt, bao bọc xung quanh là núi, phía trước là dòng sông Gang rộng lớn, nước chảy xiết. Cách phủ 10m về phía Tây Nam là bến đò Yên Lạc. Khi xưa, thuyền bè qua lại tấp nập và cũng thường xảy ra các vụ tai nạn chìm đò đuối nước, những lúc như vậy thường có nhiều người chết đuối không tìm thấy xác. Do đó, khi nghe tin về sự linh ứng của vị thần ở đền Song Đồng Ngọc Nữ (xã Nghĩa Hợp, huyện Tâm Kỳ) trong việc giữ xác người chết đuối. Nhân dân trong vùng đã xin rước chân hương thần Song Đồng Ngọc Nữ về phối thờ tại nhà Tả vu, Hữu vu của Phủ. Quả nhiên, từ khi thờ thần Song Đồng Ngọc Nữ tại đây, các vụ tai nạn đuối nước ít xảy ra, mà nếu có xảy ra người thân các nạn nhân vào phủ cầu xin thần phù giúp đều tìm thấy xác. Thậm chí có những vụ tại nạn đuối nước ở vùng khác hay trên sông Lam, người nhà vẫn đến phủ thắp hương cầu khấn và đều linh nghiệm.
Vị hiệu của thần Song Đồng Ngọc Nữ được lưu tại văn cúng của phủ có nội dung như sau: “Tả hữu Nhị vị Song Đồng Ngọc Nữ Thục viễn Hiến nương”.
2. Sự kiện lịch sử liên quan đến di tích
Phủ Yên Lạc Thượng tọa lạc ở khu vực khá hoang vu, phía trước mặt là dòng sông Gang, phía sau là núi, cây cối rậm rạp bao bọc xung quanh. Đây là vị trí thuận lợi cho các đồng chí đảng viên trú ẩn, các tổ chức đảng chọn làm địa điểm hội họp, in ấn tài liệu bí mật. Và thực tế tại Phủ đã từng là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử rất quan trọng, có ý nghĩa, gắn với những tên tuổi của các chiến sĩ cách mạng như Võ Thúc Đồng[18], Lê Thế Tài, Nguyễn Duy Trâm...Căn cứ vào Tờ khai tại giấy chứng nhận thành tích hoạt động trước cách mạng tháng 8-1945 của các đồng chí đã hoạt động cách mạng tại phủ, biên bản xác nhận lời kể của các cụ cao niên ở địa phương, lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương cho biết:
- Sau thắng lợi của phong trào Xô – Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và Nam triều phong kiến đã thực hiện một số chiêu bài để lừa bịp nhân dân trong đó có việc tổ chức “rước cờ vàng”, “phát thẻ quy thuận” ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có huyện Thanh Chương nhằm đàn áp phong trào các mạng của nhân dân ta. Ngày 7/1/1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tiềm – Bí thư tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức hội nghị mở rộng tại làng Yên Lạc, đề ra nội dung, phương pháp đấu tranh chống hành động khủng bố trắng của địch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Huyện ủy, chi bộ Kim Tinh, làng Yên Lạc đã phát động quần chúng tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình tại Phủ Yên Lạc Thượng để chống bắt phu, nhận thẻ quy thuận của Nam triều phong kiến và thực dân Pháp. Trong tờ khai giấy chứng nhận thành tích hoạt động trước cách mạng tháng 8-1945 của đồng chí Võ Thúc Đồng viết: “Trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Phủ là nơi phát động nhân dân chống kế hoạch phản động của Nam Triều phong kiến và đế quốc Pháp...”.
- Ngoài ra, Phủ là nơi cất dấu các tài liệu bí mật, quan trọng của huyện ủy Thanh Chương và Tỉnh ủy Nghệ An trong giai đoạn năm 1930 – 1931. Nội dung tờ khai tại giấy chứng nhận thành tích hoạt động trước cách mạng tháng 8-1945 của đồng chí Lê Thế Tài viết: “...Phủ là nơi huyện ủy Thanh Chương, Tỉnh ủy Nghệ An cất dấu tài liệu trong những năm 1930-1931...”
- Phủ còn là địa điểm ẩn náu, trung chuyển quân: với vị trí được bao bọc bốn phía là núi, trước mặt là sông, lại là di tích tâm linh nên tạo sự an toàn, bí mật cho các đồng chí hoạt động cách mạng. Vì vậy, Phủ Yên Lạc Thượng được chọn làm nơi trú ẩn của các cán bộ Tỉnh ủy, Huyện ủy khi bị bang tá lùng sục. Đồng thời đây cũng là vị trí tập trung, trung chuyển các cán bộ cách mạng khi rút vào địa điểm ở núi Voi Sơn (xã Thanh Ngọc), sang chiến khu Hòa Quân (xã Thanh Hương) trong giai đoạn 1930-1931. Trong tờ khai giấy chứng nhận thành tích hoạt động trước cách mạng tháng 8-1945 của đồng chí Võ Thúc Đồng viết: “...Phủ là nơi ẩn nấp của cán bộ cách mạng khi bị lính bang lùng sục. Là nơi đón nhận cán bộ cách mạng rút vào Voi Sơn, sang chiến khu Hòa Quân...”.
- Năm 1949, tại Phủ Yên Lạc Thượng đã diễn ra lễ kết nạp Đảng viên mới của chi bộ Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương.
[1] Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Phan Văn Các, Lê Viết Nga, Dương Thị The, Philippe papin (2003), Đồng khánh địa dư chí, Nxb thế giới, tr1236.
[2] Vì kiêng húy chữ “Hoa” (mẹ vua Thiệu Trị), nên tổng Hoa Lâm đổi thành tổng Xuân Lâm, xã Hoa Lâm đổi thành xã Văn Lâm.
[3] Vì kiêng húy vua Đồng Khánh (Ưng Đường) nên huyện Nam Đường đổi tên thành huyện Nam Đàn.
[4] UBND tỉnh Nghệ An, (2015), Nghệ An toàn chí, tr173.
[5] Huyện ủy, HĐND, UBND – UBMTTQ huyện Thanh Chương, (2010), Thanh Chương xưa và nay, Nxb Khoa học Xã hội, tr 63.
[6] Huyện ủy, HĐND, UBND – UBMTTQ huyện Thanh Chương, (2010), Thanh Chương xưa và nay, Nxb Khoa học Xã hội, tr 63, tr 64.
[7] Theo Từ điển Hán việt thì từ “cao sơn” có nghĩa là núi cao, “cao các” có nghĩa là lầu cao. Như vậy, có thể hiểu Cao Sơn, Cao Các là sơn thần.
[8] Kết quả kiểm kê di tích và danh thắng của Ban quản lý di tích Nghệ An, lưu tại kho Ban quản lý Di tích Nghệ An.
[9] Nay là các xã Nghi Thu, Nghi Hương và Nghi Thạch thuộc Thị xã Cửa Lò.
[10] Tài liệu hiện đang được lưu giữ tại Viên nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AEB1/3, được sao lục năm Minh Mệnh thứ 3 (năm 1822)
[11] Theo “Ninh Viết Giao – Tục thờ thần và thần tích Nghệ An”, nxb Nghệ An,(2000), tr 416. Tại đây, thần được ban tặng mỹ tự : Song Đồng Ngọc Nữ đoan trang tín nghĩa…trang huy tối linh tôn thần. Được phong là : thượng thượng thượng đẳng đại vương.
[12] Nguyễn Đổng Chi – Kho tàng truyện cổ Việt Nam, NXB Giáo dục, xb 1996, tr 163.
[13] Ngô Trí Tri (1537-1628), Ngô Trí Hòa (1564-1625), là con trai của Ngô Trí Tri và là danh thần nhà Lê. Hai cha con đậu đồng khoa Tiến sĩ năm Nhâm Thìn (1592).
[14] Theo truyện thơ nôm Trí Tri - Trí Hòa diễn truyện sự tích
[15] Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Nxb Nghệ An, tr260.
[16] Theo ”Nguyễn Trọng Tuyên- Gia phả họ Trần Đình xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ” tr.7.
[17] Nay thuộc xã Nghĩa Hợp.
[18] Đồng chí Võ Thúc Đồng nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, IV, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa III, IV, từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Đại sứ Việt nam tại Liên Xô, Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương cùng các chức vụ quan trọng khác.