image banner
 
Hợp tác xã nuôi ong với sản phẩm Mật ong nội Thanh Ngọc đạt chuẩn OCOP 3 sao
Lượt xem: 992
Phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, có nhiều diện tích trồng Keo và cây ăn quả, các thành viên Hợp tác xã nuôi ong Thanh Chương và một số hộ dân trên địa bàn đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Hợp tác xã nuôi ong Thanh Chương được hình thành từ tổ hội nuôi ong với 10 thành viên ban đầu; đến năm 2021 mới chính thức thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã số 2902111223 ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Thanh Chương; với 29 thành viên. Sau quá trình hoạt động từ đó đến nay, Hợp tác xã đã phát triển lên tới 50 thành viên. Ban lãnh đạo Hợp tác xã gồm 01 đồng chí Giám đốc là Ông: Lê Hữu Xin (Trung), 01 đồng chí Phó giám đốc; 01 đồng chí kế toán và 02 đồng chí uỷ viên.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Hợp tác xã đã xác định được ngành nghề sản xuất – kinh doanh chính của mình là chăn nuôi ong. Ong là loại vật nuôi có thế mạnh, những cũng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe. Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu lớn trong khu vực có nhiều rừng cây và đồi cây ăn quả ở địa phương, Hợp tác xã đã từng bước mở rộng quy mô nuôi ong, vừa chuyển đổi giống ong, vừa phổ biến cho các thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi để nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm và cung cấp dịch vụ vật tư, con giống, kỹ thuật nuôi ong cho thành viên trong Hợp tác xã.

Trong năm 2022, được sự tạo điều kiện của Uỷ ban nhân dân huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và UBND xã; Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP theo Quyết định số 146/QĐ-ICI ngày 31 tháng 10 năm 2022 của Công ty TNHH chứng nhận và Giám định ICI về việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP chăn nuôi; Và đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao theo Quyết định số 156 /QĐ-UBND ngày 17/01/2023 của UBND tỉnh Nghệ An. Cùng với việc chú trọng đầu tư cho sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, Hợp tác xã đang quan tâm, tham gia các hoạt động quảng bá nông sản ở trên các trang mạng xã hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó, hợp tác xã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Hợp tác xã đã xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao, đa dạng hóa các sản phẩm như mật ong, ong giống, phấn hoa, sửa ong chúa, dịch vụ kỹ thuật chăm sóc … Mạnh dạn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với các sản phẩm mật, phấn hoa, sáp ong, ong giống … và là đầu mối cung cấp cho các hộ gia đình. Vì vậy, doanh thu từ nuôi ong của Hợp tác xã ngày càng tăng.

 

Anh-tin-bai

Giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP

Anh-tin-bai

Giấy chứng nhận OCOP 3 sao

Phát huy những thành tích kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Hợp tác xã Nuôi ong Thanh Chương không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng Hợp tác xã ngày càng phát triển vững mạnh. Ngoài việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng điều hành, quản lý Hợp tác xã, thành viên Hợp tác xã được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, có kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tiếp tục đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động dịch vụ của Hợp tác xã,  góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Với lợi thế nhiều hoa của cây Keo, cây Nhãn, Vải…, là môi trường lý tưởng, nguồn thức ăn ổn định nên đàn ong của các hộ nuôi ong mật phát triển và cho lượng mật nhiều, chất lượng tốt. Hiện nay, Hợp tác xã đã có hơn 900 tổ ong mật. Bình quân hàng năm toàn Hợp tác xã thu hoạch được trên 900 lít mật ong, vì là mật ong hoàn toàn tự nhiên, nên sản phẩm mật ong của hợp tác xã được người tiêu dùng trong và ngoài huyện ưa chuộng.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng mật ong chất lượng cao, Hợp tác xã đã tổ chức xây dựng thương hiệu, đăng ký mẫu mã nhãn mác cho sản phẩm là Mật ong nội Thanh Ngọc. Hiện tại, sản phẩm mật ong của Hợp tác xã được bán với giá hơn 160.000 đồng cho 01 chai mật ong, thể tích 500ml, có tem mác sản phẩm. Ngoài khai thác bán mật, các hộ nuôi ong của HTX còn tự nhân giống đàn ong, bán ong giống. Vì vậy hầu hết các gia đình đều có thu nhập, cơ bản đảm bảo cuộc sống. Nhờ việc nuôi ong lấy mật đã tạo cho các hộ gia đình hội viên nông dân nguồn thu nhập chính cải thiện cuộc sống cho người dân, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo góp phần thực hiện thắng lợi phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy các hộ gia đình nuôi ong tự nguyện tham gia Hợp tác xã nuôi ong lấy mật của xã Thanh Ngọc tiếp tục duy trì các thành viên và chấp hành nghiêm túc Điều lệ và phương án sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã; Hợp tác xã hoạt động đúng Luật Hợp tác xã quy định.

Anh-tin-bai

Mẫu chai, nhãn mác và túi đựng được thiết kế đẹp mắt

Với mục tiêu phát triển bền vững, Hợp tác xã nuôi ong Thanh Chương tiếp tục tích cực hướng dẫn các thành viên áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ kết nối, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, giúp các thành viên yên tâm đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, đưa mật ong trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương Thanh Ngọc, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

 

Anh-tin-bai

Sản phẩm Mật ong Thanh Ngọc trưng bày tại gian hàng OCOP

Để giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm Mật ong nội Thanh Ngọc, trong thời gian tới Hợp tác xã nuôi ong và các hộ dân, các chủ thể nuôi ong trên địa bàn cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

* Đối với Hệ thống chính trị các cấp và Hợp tác xã nuôi ong

Tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân những hộ nuôi ong thực hiện tốt Luật chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 về hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi để đảm bảo nâng cao chất lượng mật đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Tiếp tục vận động các hộ nuôi ong trên địa bàn gia nhập Hợp tác xã và phát triển đàn ong có chất lượng.

Theo dõi và báo cáo ngay cho UBND xã khi có hộ gia đình có nhu cầu cho các trường hợp người nuôi ong ở các địa phương khác đưa đàn ong về nuôi trên địa bàn để có hướng xử lý kịp thời.

* Đối với các hộ dân và các hộ nuôi trên địa bàn

- Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đưa hoặc cho đặt đàn ong từ vùng khác về trên địa bàn, ngay từ đầu năm phải trực tiếp đăng ký với Uỷ ban nhân dân xã để cam kết thực hiện đúng quy định.

- Tổ chức, cá nhân nuôi ong lấy mật phải đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn ong, vệ sinh môi trường nơi nuôi ong, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác từ ong mật.

- Khoảng cách giữa các điểm đặt ong mật:

Khoảng cách tối thiểu giữa 02 điểm đặt ong nội là 01 ki-lô-mét; giữa 02 điểm đặt ong nội với ong ngoại là 02 ki-lô-mét.

- Quản lý đàn ong:

+ Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng; Hàng năm cần thiết lập kế hoạch quản lý đàn ong; Xây dựng kế hoạch phòng và xử lý kịp thời các loại dịch bệnh, địch hại đối với các đàn ong.

+ Có nhật ký nuôi ong với đầy đủ các thông tin về con giống, nhân đàn, tình hình sử dụng thức ăn bổ sung cho ong, phòng và điều trị bệnh cho ong, di chuyển đàn và sản lượng khai thác.

- Quản lý chất thải và bảo vệ môi trường:

+ Chất thải trong nuôi ong bao gồm chất thải rắn: Thùng ong loại, cầu ong loại, sáp vụn loại thải, xác ong, các vật tư nuôi ong khác bị loại thải và chất thải sinh hoạt trong quá trình nuôi ong; và chất thải lỏng gồm: Nước thải sinh hoạt, nước rửa thùng ông và dụng cụ nuôi ong.

+ Chất lỏng không được thải trực tiếp ra nguồn nước ngoài môi trường.

- Bảo quản và vận chuyển mật ong:

+ Mật ong sau khi khai thác được bảo quản trong các can nhựa, phuy được đậy kín. Tại từng thời điểm quay mật, các dụng cụ chứa mật ong cần được đặt mã số riêng để phục vụ truy xuất nguồn gốc, xác nhận nguồn gốc.

- Ghi chép, lữu trữ hồ sơ:

+ Thiết lập hệ thống sổ sách, nhật ký nuôi ong, thể hện được các nội dung: Tổng số thùng ong; Thời gian, địa điểm đặt ong; Điều kiện môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ đàn ong; Sử dụng thức ăn bổ sung trong nuôi ong; Tình hình sức khoẻ, dịch bệnh đàn ong, các biện pháp phòng trị, loại hoá chất, thuốc thu y sử dụng trong điều trị bệnh cho ong; Loại mật, sản lượng mật ong và các sản phẩm mật ong khác tại mỗi thời điểm khai thác, tên, địa chỉ nhập mật ong; Sổ sách, nhật ký nuôi ong được ghi chép cập nhật đầy đủ trong quá trình nuôi ong.

+ Các hồ sơ khác liên quan: Đơn thuốc phòng, trị bệnh; Hoá đơn mua bán dụng cụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ nuôi ong.

+ Lưu giữ các loại hồ sơ có liên quan, nhật ký nuôi ong: Các trại, hộ nuôi ong lưu giữ tối thiểu 01 năm; Cơ sở thu mua, chế biến lưu giữ ít nhất 02 năm.

Hoàng Ngọc Lành - PCT UBND xã.

TIÊN LIÊN QUAN
 
1234
         CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH NGỌC
         Chịu trách nhiệm nội dung: Ông: Trịnh Văn Thưởng - Chủ tịch UBND Xã
  Trụ sở: Xã Thanh Ngọc - Huyện Thanh Chương - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238)3823065 - Email: ubndthanhngocna@gmail.com