Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân trong phòng chống thiên tai
Theo quy định tại Điều 34 Luật phòng
chống thiên tai 2013, trong công tác phòng,
chống thiên tai, hộ gia đình, cá nhân có quyền:
- Tiếp cận thông tin về phòng, chống
thiên tai do các cơ quan có thẩm quyền ban hành;
- Tham gia xây dựng kế hoạch phòng,
chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai tại địa phương;
- Tham gia chương trình thông tin,
truyền thông, giáo dục về phòng, chống thiên tai; nâng cao kiến thức về phòng,
chống thiên tai phù hợp với điều kiện cụ thể;
- Được hoàn trả vật tư, phương tiện;
nhận tiền công lao động khi tham gia ứng phó khẩn cấp thiên tai đối với cộng
đồng theo lệnh huy động của người có thẩm quyền;
- Người tham gia ứng phó thiên tai nếu
bị thương, bị chết được xem xét, hưởng chế độ, chính sách như đối với thương
binh, liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách
mạng;
- Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt
hại do thiên tai theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc có các quyền, pháp
luật cũng quy định những cá nhân, hộ gia đình này phải thực hiện
một số nghĩa vụ nhất định. Cụ thể:
- Chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công
trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình bảo đảm an toàn trước thiên tai hoặc
di dời đến nơi an toàn; Không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh
hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai;
- Thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên
tai, phương án ứng phó thiên tai tại địa phương;
- Tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp
với đặc điểm thiên tai tại địa phương;
- Chủ động trang bị thiết bị theo khả
năng để tiếp nhận bản tin dự báo, cảnh báo và sự chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống
thiên tai;
- Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện
theo khả năng để phòng, chống thiên tai;
- Chủ động dự trữ lương thực, nước uống,
vật tư và thiết bị xử lý nước, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch theo khả năng
để bảo đảm đời sống khi thiên tai xảy ra phù hợp với đặc thù thiên tai tại địa
phương;
- Chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động
trên biển, trên sông phải trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị thông tin,
tín hiệu phù hợp; Phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về vị trí, tình
trạng của phương tiện đang hoạt động cho chính quyền địa phương, cơ quan chức
năng khi thiên tai xảy ra; khi gặp tàu thuyền khác bị nạn phải kịp thời cứu hộ,
tìm kiếm, cứu nạn, trường hợp vượt quá khả năng phải bằng mọi cách thông báo
cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn;
- Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả
nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi thiên tai xảy ra; tham gia hỗ
trợ cộng đồng phòng, chống thiên tai;
- Chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ
huy của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc
không đi vào khu vực nguy hiểm;
- Chấp hành quyết định huy động nhân
lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để phục vụ hoạt động ứng
phó khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền;
- Chủ động thực hiện vệ sinh môi trường,
phòng chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc sau khi bị tác động
của thiên tai;
- Thông báo đến cơ quan, người có thẩm
quyền khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng,
chống thiên tai và tham gia xử lý sự cố công trình trong khả năng của mình;
- Cung cấp thông tin về diễn biến thiên
tai, thiệt hại do thiên tai cho cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi nhận biết
của mình;
- Cá nhân có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ
phòng, chống thiên tai theo quy định của Chính phủ; chủ động giúp đỡ người bị
thiệt hại do thiên tai tại địa phương.
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa bão, xã
Thanh Ngọc thường nằm trong vùng xảy ra mưa vừa đến mưa rất to; mặt khác trên
địa bàn xã nhà có Sông Lam, Sông Gang chảy qua, có nhiều đập, khe suối…nên hàng
năm vào mùa mưa bão đã làm ảnh hưởng đến một số vùng trũng thấp đó là: xóm Ngọc
Quang, Ngọc Hạ cũ; một số vùng của thôn Minh Nhuận, thôn Yên Xuân…
Trước tình hình diễn
biến thời tiết phức tạp mùa mưa bão hàng năm, việc tích cực chủ động phòng chống,
ứng phó trước những tai nạn đáng tiếc có thể xãy ra do mưa giông, lốc xoáy, bão, lụt... là một
yêu cầu cấp bách, cấp thiết của toàn xã hội. Mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân … trên địa bàn xã cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cộng
đồng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ động thực hiện tốt các
biện pháp phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Ứng phó kịp thời mọi tình huống
do thiên tai gây ra, đặc biệt chủ động thu hoạch hoa màu, thuỷ sản kịp thời
đối với những vùng trũng thấp; chủ động cắt tỉa cây cao gần nhà... để tránh những
thiệt hại đáng tiếc về người, tài sản của bản thân và gia đình, đảm bảo giữ
vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Hoàng Ngọc Lành – Phó Chủ tịch UBND xã.