Gương Cựu chiến binh hết lòng vì quê hương trong xây dựng Nông thôn mới
Tháng 02 năm 1975, thời điểm đế quốc Mỹ đang đánh phá miền Nam Việt Nam vô cùng ác liệt, với tinh thần dũng cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước, hàng trăm thanh niên xã Thanh Ngọc nói riêng và huyện nhà nói chung đã tình nguyện lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Trong số những thanh niên ưu tú đó có thanh niên Lê Hữu Xin thuộc thôn Yên Xuân xã Thanh Ngọc. Vừa bước sang tuổi 17 và đang học dở lớp 9 trường THPT, chàng trai trẻ Lê Hữu Xin hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ. Vào đơn vị anh được biên chế vào C3, D1, E174, F316B huấn luyện tại miền Tây Nghệ An để bổ sung cho F316A đánh trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng quân ngũ, đồng chí Lê Hữu Xin luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được nhà nước, Quân đội khen thưởng.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người lính Cụ Hồ Lê Hữu Xin được xuất ngũ trở về quê hương. Về quê, với tinh thần hiếu học, ông tiếp tục quay lại mái trường xưa để viết tiếp ước mơ vào giảng đường đại học. Học xong chương trình THPT Lê Hữu Xin thi đậu vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Sau tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại Liên đoàn Địa chất thuỷ văn miền Nam tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Từ năm 1992, ông được phân về công tác tại tỉnh nhà Nghệ An, lần lượt làm việc tại Sở công nghiệp, Sở Tài nguyên, Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Nghệ An. Từ năm 2008 đến 2017 ông đảm nhận chức vụ Trưởng đoàn thanh tra Bộ TN&MT Nghệ An. Với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” ông luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Năm 2017, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, trở về với quê hương. Hai vợ chồng ông đều là hội viên hội Cựu chiến binh gương mẫu, năng nổ, tiên quyết trong mọi phong trào do địa phương phát động.
Là người yêu quê hương da diết, ông luôn trăn trở khi quê hương xã Thanh Ngọc có di tích lịch sử nhưng nay bị xuống cấp mà chưa được công nhận, trùng tu, tôn tạo. Hội viên Lê Hữu Xin lại âm thầm đi tìm nhân chứng lịch sử để chứng minh cho những di tích lịch sử của quê hương xã Thanh Ngọc. Trải qua những năm tháng nghiên cứu, miệt mài tìm hiểu, ông đã gặp được bác Võ Thúc Đồng, bác Lê Thế Tài; bác Nguyễn Duy Tuân... là những nhân chứng lịch sử cùng các nguồn tư liệu khác để tìm ra nguồn cội Phủ Ngọc Thượng - nơi in ấn, cất giấu tài liệu của Đảng trong những năm 1930 - 1931. Nhờ công tìm hiểu của ông, đến năm 2019 Phủ Yên Lạc Thượng (ngụ tại thôn yên Thượng xã Thanh Ngọc) đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận Di tích văn hoá cấp tỉnh.
Để tăng thêm thu nhập, cùng với phong trào nuôi ong làm kinh tế của huyện, xã Thanh Ngọc có rất nhiều hộ gia đình tiến hành tăng gia nuôi ong lấy mật, tuy nhiên hằng năm sức tiêu thụ còn kém, đây là điều kiến ông nhiều đêm trăn trở. Năm 2020, ông đã trực tiếp trao đổi và xin ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã Thanh Ngọc để thành lập HTX nuôi ong lấy mật và đã được Đảng uỷ, UBND xã sự nhất trí. Thế là một lần nữa CCB Lê Hữu Xin lại đích thân đến các cơ quan hữu quan để tìm tòi kiến thức, tài liệu quyết tâm thành lập HTX nuôi ong lấy mật. Ngày 09/8/2021 “HTX nuôi ong Thanh Chương” được thành lập, ban đầu với 20 hội viên. Đến nay HTX đã kết nạp lên đến 31 hội viên - là những hộ nuôi ong lấy mật của xã Thanh Ngọc.
Sau khi thành lập HTX, ông lại trăn trở phải xây dựng sản phẩm mật ong của quê hương có thương hiệu, được nhiều người biết đến. Ông và thành viên HTX bắt tay vào xây dựng mật ong Thanh Ngọc đạt tiêu chuẩn Viet- gap lấy tên “Mật ong nội Thanh Ngọc”. Đến ngày 17/01/2023 sản phẩm “Mật ong nội Thanh Ngọc” của HTX nuôi ong do ông làm Chủ nhiệm đã được UBND tỉnh được cấp chứng chỉ OCOP 3 sao. Hiện nay, sản phẩm của HTX đươc nhiều người biết đến, sản phẩm của HTX được giới thiệu tại các hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh. Với tình yêu quê hương, say mê lao động, người CCB đôn hậu, hiền hòa đã góp phần cùng quê hương trong xây dựng tiêu chí nông thôn mới, năm 2022, xã Thanh Ngọc được UBND tỉnh công nhận “xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Hôm nay trong những buổi chiều tà thả bộ trên những đường làng ngõ xóm rộng thênh thang, ông không khỏi bùi ngùi xúc động bởi quê hương đã thay da đổi thịt, khoác lên mình màu áo mới, diện mạo mới. Lữ khách xa gần khi đến với Thanh Ngọc đã từng hỏi ông “động cơ nào để CCB Lê Hữu Xin đóng góp cho quê hương nhiều như vậy” - người lính năm xưa vui vẻ trả lời rằng: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương này do đó tôi phải có trách nhiệm với quê hương vì “Quê hương là chùm khế ngọt”.
NGUYỄN VĂN NHẬT