Một số vấn đề cần thực hiện tốt để sản xuất vụ Đông năm 2023 đạt hiệu quả cao
1. Mục tiêu sản xuất vụ Đông năm 2023
- Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông: 63 ha. Trong đó: Cây ngô đông: 42 ha; Rau màu, sắn và các loại cây trồng khác: 21 ha.
Để sản xuất vụ Đông năm 2023 đạt được mục tiêu, diện tích, năng suất và sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế bà con nhân dân cần tập trung một số giải pháp sau:
- Tập trung thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ Hè thu: Tổ chức thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa và cây trồng vụ Thu khi đến thời điểm chín để bảo đảm năng suất và sản lượng đồng thời tạo quỹ đất để tiến hành gieo trồng cây màu vụ Đông trong khung thời vụ sớm nhất. Đối với cây lúa, khi đã chín sinh lý đạt 80% trở lên, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức thu hoạch nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để đảm bảo an toàn và tạo quỹ đất gieo trồng cây vụ Đông kịp thời vụ.
Trên những diện tích có kế hoạch sản xuất vụ Đông, cần chủ động tiêu nước trước khi thu hoạch cây trồng vụ Hè thu để tạo điều kiện giải phóng đất. Thu hoạch cây trồng vụ Hè thu đến đâu, tiến hành vệ sinh đồng ruộng (dọn cỏ dại, cắt rơm rạ, nhổ bỏ gốc cây) và giải phóng đất ngay đến đó, và tiến hành làm đất phù hợp với các loại giống cây trồng.
2. Bố trí giống cây trồng, lịch thời vụ và giải pháp kỹ thuật
Bố trí cơ cấu giống và gieo trồng đúng lịch đúng thời vụ có ý nghĩa quyết định để thắng lợi sản xuất vụ Đông. Cụ thể thời vụ, bộ giống một số cây trồng chủ lực như sau:
- Cây ngô: Đối với cây ngô, là cây trồng chính có diện tích lớn nhất trong vụ Đông. Cơ cấu chủ lực các giống có khả năng chịu rét, chịu úng tốt, năng suất, sản lượng cao gồm: DK6919S, DK 6818S, NK7328, NK66Bt/Gt, PAC999, PAC339, PSC747, Cp 511 và một số giống ngô nếp.
+ Trên các chân đất cao, ít bị ảnh hưởng lũ lụt tiến hành gieo trồng càng sớm càng tốt.
+ Trên đất 2 lúa ưu tiên sử dụng ngô có thời gian sinh trưởng ngắn và kết thúc gieo trồng trước ngày 20/9 để đảm bảo thời vụ lúa vụ Xuân năm 2024.
+ Trên đất màu thường bị ngập lụt thì tùy theo tình hình cụ thể của từng nơi để bố trí thời vụ gieo trồng kết thúc trước ngày 30/10.
- Rau màu: Bố trí trên các loại đất vườn nhà và trên các loại đất không bị ngập lụt. Những diện tích hoa màu ở vùng trũng, thấp cần chủ động thu hoạch nhanh, gọn những diện tích đã đến kỳ thu hoạch trước mùa mưa bão.
- Đối với cây ăn quả các loại: Tập trung phát triển cây cam theo kế hoạch; tuyên truyền vận động bà con nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với các loại cây ăn quả. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tỉa cành, tạo tán đối với diện tích ở thời kỳ kiến thiết cơ bản và phòng trừ ruồi vàng đục quả ở giai đoạn thu hoạch đối với cây cam, bưởi. Chủ động thực hiện một số biện pháp như: Cắt tỉa để cây được thông thoáng (cành vượt, cành đan chéo nhau); cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, chằng néo thân cây hoặc cành lớn; đối với cây đang mang quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, tỉa bỏ bớt quả trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng quả; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh để ngập úng trong mùa mưa bão.
- Công tác chăn nuôi, thú y: Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi như: thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu bò, lợn; thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; áp dụng quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chủ động chuẩn bị dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại; dự trữ chất đốt, như củi, trấu để sưởi ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. Chỉ chăn thả gia súc trong điều kiện thời tiết ấm, không chăn thả và cho gia súc cày kéo trong những ngày rét đậm, rét hại. Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời, thận trọng, dứt điểm khi có dịch xảy ra.
- Thuỷ sản: Không quy hoạch nuôi thả những vùng ảnh hưởng làm sạt lở, hư hỏng các trục đường giao thông, vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt. Những nơi có điều kiện thuận lợi, đảm bảo quy hoạch tổ chức mở rộng diện tích nuôi cá vụ 3, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật để đem lại hiệu quả kinh tế. Cần chủ động thu hoạch toàn bộ thủy sản nuôi nhanh, gọn trước mùa mưa bão, lụt xảy ra.
3. Chăm sóc sau mưa lụt
Đặc điểm sản xuất vụ Đông thường gặp mưa lụt gây ngập, hư hại sau khi gieo trồng cả thời kỳ cây con và cây lớn vì vậy cần có biện pháp kỹ thuật chăm sóc bảo đảm cây phục hồi sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất và kịp thời vụ.
Sau các trận mưa to, lụt gây ngập,…Bà con nông dân cần khẩn trương, tích cực khơi thông dòng chảy, bằng mọi cách tháo nước ra khỏi ruộng, không để nước đọng trên mặt ruộng; những ruộng không tháo nước được bà con phải bơm hút, tát cạn nước, có thể đào các hố nhỏ ở góc ruộng, vét rãnh,…để rút nước tạm thời xuống hố - rãnh; Sau khi cạn nước, đất khô dần phải xác định ngay những ruộng có thể phục hồi để tiến hành chăm sóc:
- Đối với diện tích bị ngập đổ nghiêng, bà con căn cứ tình hình thực tế để tiến hành dựng lại cây, buộc dây, dùng cọc chống, hót đất lấp kín rễ để cây có thể phục hồi. Khi mặt luống đã se khô thì tiến hành xới phá váng và bón phân để cây nhanh hồi phục. Với cây ngô giai đoạn từ 2 - 5 lá: Sử dụng Lân supe 5kg/sào, ngâm với nước tiểu động vật trong 2 - 3 ngày để tưới cho ngô, kết hợp sử dụng chế phẩm như Siêu lân, Pisomix PTS9... giúp cây phục hồi nhanh, khi ngô đã phục hồi thì chăm sóc bình thường.
- Đối với ruộng bị ngập nặng, gãy, dập nát không có khả năng phục hồi bà con chịu khó vệ sinh toàn bộ ruộng, thu hồi tàn dư, xác thực vật dồn lại xử lý giảm lây lan mầm bệnh hại và tiến hành khẩn trương chuẩn bị đất để trồng lại bằng những loại cây rau, màu phù hợp trong khung thời vụ cho phép.
4. Phòng trừ dịch hại
Cây trồng vụ Đông được gieo trồng trong điều kiện thời tiết mưa, ẩm, âm u, hanh khô xem kẽ vì vậy sẽ có rất nhiều đối tượng dịch hại phát sinh gây hại. Vì vậy cần phải theo dõi kiểm tra thường xuyên để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Trong đó đáng chú ý một số đối tượng như: Sâu keo mùa thu gây hại trên Ngô, Chuột, Ruồi vàng hại quả, Sâu xanh da láng, Sâu khoang, Phấn trắng,…
Sản xuất vụ Đông hàng năm thường gặp không ít khó khăn nhưng với tinh thần chủ động tích cực phấn đấu, phát huy cao độ nội lực của địa phương. Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Ngọc quyết tâm giành thắng lợi toàn diện trong sản xuất Đông năm 2023.
Hoàng Ngọc Lành – Phó Chủ tịch UBND xã.