image banner
 
Một số giải pháp để sản xuất vụ Xuân năm 2024 đạt hiệu quả cao
Lượt xem: 377

Vụ Xuân là vụ quyết định mức hoàn thành mục tiêu, sản lượng lương thực cả năm. Theo dự báo của Đài Khí tượng – Thủy văn Bắc Trung Bộ, từ tháng 10 - 12/2023, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,50C; từ tháng 01 - 03/2024, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn khoảng 0,5-1,50C. Trong thời kỳ đầu mùa Đông, không khí lạnh có có khả năng hoạt động yếu; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn. Vụ Xuân năm 2024 dự báo sẽ gặp không ít khó khăn đó là: Nguy cơ tiềm ẩn một số dịch hại có thể phát sinh gây hại trong vụ Xuân năm 2024 như ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá vi khuẩn trên cây lúa, sâu keo mùa thu hại ngô trên cây ngô, bệnh khảm lá sắn, chuột trên cây trồng và Dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm... trên đàn vật nuôi.

- Phương hướng chỉ đạo: Bố trí ổn định diện tích gieo trồng, thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ và định hướng cơ cấu; yêu cầu cơ cấu tập trung, tăng cường đầu tư thâm canh, bón đúng, bón đủ, bón cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động phòng chống dịch bệnh. Kiên quyết loại bỏ các loại giống có năng suất thấp chất lượng kém, bổ sung những giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

+ Đối với cây lúa:

Mỗi cánh đồng chỉ nên cơ cấu từ 1-2 giống lúa, mỗi thôn nên cơ cấu từ 3-4 giống chủ lực để tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả cao. Những diện tích đất cao khó khăn về nước tưới, năng suất lúa thấp, cần nghiên cứu chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn. Ưu tiên sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, phù hợp với nhiều chân đất, cụ thể cơ cấu các giống sau: VT404, Phú ưu 978, Syn 98, VT868 (Là giống mới được hỗ trợ 50% giá giống); Lúa thuần sử dụng giống lúa VNR20.

Thời vụ gieo trồng: Các giống VT404, VT868, Phú ưu 978, VT868 thời gian gieo mạ từ ngày 10/01 đến 14/01/2024; Thời gian cấy dự kiến 30/1-03/02/2024 (tức từ ngày 20-24/12 âm lịch) khi mạ được 2-3 lá.

Đối với giống lúa thuần VNR20 thời gian gieo mạ từ ngày 15/01 đến 19/01/2024; Thời gian cấy dự kiến 04-08/02/2024 (tức từ ngày 25-29/12 âm lịch) khi mạ được 2-3 lá.

+ Đối với cây ngô: Lựa chọn các giống ngô có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Cơ cấu có năng suất cao như: DK6919S, NK66Bt/Gt, NK6253, PAC339, LVN61, NK4300 Bt/Gt. Tập trung gieo trồng từ 04/2 đến 28/2, khi thời tiết thuận lợi có thể gieo trồng sớm hơn để đề phòng nắng hạn cuối vụ.

+ Đối với cây Lạc: Bố trí chủ lực là L14, L23, L26. Bà con nhân dân tranh thủ đất vừa đủ ẩm, trời ấm và tiến hành gieo từ 25/01, kết thúc gieo xong trước ngày 25/2, đối với những vùng đất cao dễ gặp hạn sớm thì phải gieo trồng sớm hơn để đề phòng nắng hạn cuối vụ.

+ Đối với cây Sắn: Bố trí chủ lực giống KM94; Tiến hành trồng từ tháng 01 đến 15/3/2024.

+ Đối với rau màu: Bố trí cơ cấu giống phù hợp theo từng chân đất; sử dụng giống tốt, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Tranh thủ gieo trồng khi điều kiện thời tiết thuận lợi

- Để vụ Xuân năm 2024 đạt mục tiêu về năng suất và sản lượng cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

+ Vệ sinh, chỉnh trang đồng ruộng: Đây là công việc rất cần thiết trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Tiếp tục ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, bờ thửa, làm đường giao thông nội đồng,…đồng thời dọn sạch cỏ dại, gia cố bờ ruộng bảo đảm giữ nước tốt cho cả vụ góp phần tiết kiệm nước cho vụ Hè thu, và thuận lợi cho việc đi lại chăm sóc ruộng. Trước mắt cần giữ nước đầy để ngâm ruộng làm cho xác hữu cơ (gốc rạ,…) phân hủy, cỏ dại không mọc được, những ruộng có loại cỏ lên từ gốc thân, đốt thì tiến hành vơ thu gom lên bờ xử lý.

+ Diệt chuột, ỐC Bươu Vàng: Thời điểm dễ thực hiện, cho hiệu quả cao hạn chế nguồn chuột phá hại ngay từ đầu vụ và cho cả vụ tốt nhất là giai đoạn trước lúc vào gieo cấy vụ Xuân. Đối với ốc bươu vàng thường gây thiệt hại lớn ở thời kỳ lúa còn non mới gieo cấy vì vậy tốt nhất diệt ốc trước lúa vào gieo cấy vụ Xuân. Ở thời điểm này ốc bươu vàng sau mưa lụt đã tập trung đẻ trứng nhiều ở khu vực mương máng, bờ tường, cỏ - cây vùng ngập nước, ruộng nhiều cỏ dại,…vì vậy cần tranh thủ bắt, thu gom trứng để xử lý (chôn lấp, làm thức ăn gia súc,…). Những vùng có mật độ lớn có thể sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ trước (tuy nhiên nên hạn chế) tránh ảnh hưởng đến môi trường. Có thể dùng các cọc tre, nứa, cây,…cắm ở mương, góc ruộng cho ốc đẻ trứng để thu gom hoặc dùng các sản phẩm nông nghiệp như lá khoai lang, đu đủ, vỏ xơ mít,…thả vào góc ruộng, mương để ốc tập trung tới ăn rồi thu gom,…

+ Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật ngâm ủ mạ, gieo cấy đúng mật độ, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh, nhất là khâu phòng trừ cho mạ trước khi cấy.

+ Chọn giống rau màu (ngô, đậu tương, các loại rau, đậu, ...) có năng suất cao phù hợp trong khung thời vụ, có thị trường tiêu thụ và tập trung bón phân N-P-K cân đối ngay ở giai đoạn cây con đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

+ Quản lý tốt dinh dưỡng trong cả chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng ngay giai đoạn mạ để giảm thời gian cây lúa đứng trên ruộng, có thể sử dụng mạ khay, mạ trên nền đất cứng, mạ dược thâm canh.

+ Tập trung các biện pháp chăm sóc cho lúa, cây màu: Bón phân cân đối, bón lót sâu, bón nặng đầu nhẹ cuối để tăng năng suất và hiệu quả cây trồng. Tăng cường sử dụng phân NPK thay thế phân đơn, kết hợp với phân hữu cơ vi sinh, phân vi lượng qua lá để tăng năng suất chất lượng cây trồng.

+ Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời, dự tính, dự báo chính xác, nhất là đối với các loại sâu, bệnh có nguy cơ phát sinh thành dịch như: Bệnh Khảm lá sắn, Bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng... để chủ động phòng trừ kịp thời; đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng".

+ Tranh thủ khi thời tiết thuận lợi để chăm sóc tốt diện tích cây ăn quả, thực hiện tốt công tác tỉa cành, tạo tán để cây sinh trưởng phát triển tốt. Đối với diện tích rừng: tổ chức phát dọn thực bì, đào hố và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trồng rừng vụ Xuân, trồng cây phân tán; làm tốt công tác chăm sóc, phòng chống cháy rừng hiệu quả.

+ Bên cạnh công tác sản suất, bà con nhân dân cũng cần quan tâm đến công tác chăn nuôi, thú y: Tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi và dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò. Thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; làm tốt công tác bảo vệ môi trường; chấp hành nghiêm việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm theo quy định; các hộ nuôi trồng thuỷ sản trước khi tiến hành chuẩn bị thả giống báo cáo với Thôn trưởng và Công chức Địa chính – Nông nghiệp để làm các thủ tục đăng ký sản xuất ban đầu theo quy định.

Với tinh thần chủ động tích cực phấn đấu, phát huy cao độ nội lực của địa phương. Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Ngọc quyết tâm giành thắng lợi toàn diện trong sản xuất Xuân năm 2024./.

                                                                Hoàng Ngọc Lành – Phó Chủ tịch UBND xã.

BẢN ĐỒ XÃ THANH NGỌC- HUYỆN THANH CHƯƠNG
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
         CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH NGỌC
         Chịu trách nhiệm nội dung: Ông: Trịnh Văn Thưởng - Chủ tịch UBND Xã
  Trụ sở: Xã Thanh Ngọc - Huyện Thanh Chương - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238)3823065 - Email: ubndthanhngocna@gmail.com