Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2023 dự báo sẽ có khoảng 11 - 13 cơn bão trên biển Đông và 5 - 7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền. Do đó, để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản và cây trồng; mọi tổ chức, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn cần chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống mưa bão, lụt hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thanh Ngọc là một xã miền núi, có địa hình, vị trí địa lý, khí hậu phức tạp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, ngập lụt, lốc, sét và chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới... nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên hàng năm diện tích hoa màu, thuỷ sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra tương đối lớn.
Để chủ động bảo vệ diện tích hoa màu, thuỷ sản, sau đây là một số biện pháp hướng dẫn các hộ sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn xã nhằm hạn chế thiệt hại do mưa, bão, lụt gây ra:
* Đối với hoa màu: Các hộ có diện tích hoa màu ở vùng trũng, thấp, hàng năm thường xuyên bị ngập lụt cần chủ động thu hoạch nhanh, gọn những diện tích đã đến kỳ thu hoạch trước mùa mưa bão.
* Đối với cây ăn quả: Chủ động thực hiện một số biện pháp thực hiện trước mưa bão như: Cắt tỉa để cây được thông thoáng (cành vượt, cành đan chéo nhau); cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đổ ngã; đối với cây đang mang quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, tỉa bỏ bớt quả trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng quả; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh để ngập úng.
* Đối với Thuỷ sản:
- Đối với các hộ có diện tích ao, hồ nuôi trồng thuỷ sản thuộc vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt hàng năm đề nghị gia đình chủ động thu hoạch toàn bộ thủy sản nuôi trước mùa mưa bão, lụt xảy ra.
- Đối với các hộ có diện tích ao, hồ nuôi trồng thuỷ sản thuộc các vùng còn lại cao hơn, chủ động kiểm tra và tu bổ, gia cố lại bờ ao, các công trình phụ trợ cho chắc chắn. Kiểm tra hệ thống xả tràn cho ao nuôi và tiến hành xả bớt lưu lượng nước để đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến. Chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát cá nuôi. Khơi thông dòng chảy ở các sông, kênh, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng. Phát quang cây xung quanh bờ ao để hạn chế cành, lá cây rơi xuống ao làm ô nhiễm ao nuôi khi có bão lũ, đồng thời phòng khi gió lớn gây đổ cây vỡ bờ ao.
* Về điều kiện để được hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn:
Căn cứ Điều 4, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ quy định: Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
1. Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
2. Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 02) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có).
- Đối với các hộ chăn nuôi tập trung kê khai ban đầu thực hiện trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi nộp về UBND xã (Qua đ/c Lê Thị Na – Công chức Địa chính Nông nghiệp xã); trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, UBND xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai.
- Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trước khi thả giống cần phải báo cáo với Trưởng thôn và Công chức Địa chính Nông nghiệp xã để thực hiện kê khai ban đầu để được UBND xã xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
3. Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
4. Thời điểm xảy ra thiệt hại:
a) Đối với thiên tai: Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận;
b) Đối với dịch bệnh: Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.
Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp mùa mưa bão hàng năm, việc tích cực chủ động phòng chống, ứng phó trước những tai nạn đáng tiếc có thể xãy ra do mưa giông, lốc xoáy là một yêu cầu cấp bách, cấp thiết của toàn xã hội. Mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị… trên địa bàn xã cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Ứng phó kịp thời mọi tình huống do mưa bão, lụt gây ra trong mùa mưa bão. Tránh những thiệt hại đáng tiếc về tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Hoàng Ngọc Lành – Phó Chủ tịch UBND xã.